Trang chủ » Sản xuất trang thiết bị y tế thay hàng nhập khẩu

Sản xuất trang thiết bị y tế thay hàng nhập khẩu

Sản xuất trang thiết bị y tế thay hàng nhập khẩu

Hiện nay, cả nước đã chế tạo được một số sản phẩm trang thiết bị y tế (TTBYT) đạt tiêu chuẩn Việt Nam. Nhưng, có tới khoảng 80% TTBYT còn phải nhập khẩu. Chính sách quốc gia về TTBYT giai đoạn 2002 – 2010 có nêu giải pháp để thực hiện mục tiêu đến năm 2005, TTBYT sản xuất trong nước đáp ứng 40% nhu cầu.

 

Những sản phẩm mới

Tiến sĩ Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Trung tâm công nghệ la-de (NACENLAS), Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết: không kể hàng trăm hệ thống trị liệu bằng la-de từ 1 mW đến 25 mW được nghiên cứu lắp ráp từ năm 1998 về trước phục vụ chẩn đoán và điều trị ung thư, bệnh ngoài da, hỗ trợ cai nghiện ma túy; mấy năm gần đây, Trung tâm còn chế tạo các thiết bị y tế công nghệ cao, như thiết bị tán sỏi ngoài cơ thể, dao mổ điện cao tần, thiết bị phẫu thuật bằng siêu âm… Gắn hoạt động nghiên cứu khoa học với ứng dụng thực tiễn đời sống, hơn mười sản phẩm của NACENLAS đã được Bộ Y tế cấp giấy phép, phục vụ có hiệu quả công tác điều trị tại một số bệnh viện. Dự định đến năm 2005, NACENLAS sẽ cung ứng cho các cơ sở y tế khoảng 700 thiết bị la-de, trị liệu, tán sỏi ngoài cơ thể, dao mổ điện cao tần. Theo Tiến sĩ Trần Ngọc Liêm, để thúc đẩy ngành công nghiệp thiết bị y tế còn quá nhỏ bé phát triển, cần có chương trình hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công nghiệp và Bộ Y tế, huy động các nguồn đầu tư mới. Hy vọng ba năm tới, chúng ta sản xuất được một số thiết bị y tế có giá trị.

 

Công ty nhựa y tế (MEDIPLAST), hơn bốn năm qua, với nguồn đầu tư 70 tỷ đồng đã xây dựng nhà xưởng, lắp đặt dây chuyền sản xuất khép kín theo công nghệ hiện đại của Nhật Bản và các nước G7. Kỹ sư Lê Thị Minh Châu, Giám đốc MEDIPLAST, cho biết: sản phẩm của Công ty hiện nay là bơm tiêm tiệt trùng dùng một lần, bơm tiêm tự khóa K1, bơm tiêm an toàn FA, dây truyền dịch và hơn 20 loại sản phẩm khác bằng nhựa phục vụ ngành y tế và công nghệ thực phẩm. Từ năm 2000 đến nay, các sản phẩm của Công ty đã thật sự thay thế hàng nhập khẩu, cung cấp cho các chương trình quốc gia về tiêm chủng mở rộng, phòng chống HIV/AIDS, phòng, chống sốt rét và các bệnh viện lớn như Bạch Mai, Viện nhi T.Ư, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển (Uông Bí, Quảng Ninh)… Nhờ không ngừng cải tiến và hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng ISO 9002, ISO 13488 để kiểm soát chất lượng hàng hóa, sản phẩm của MEDIPLAST không chỉ cung ứng cho thị trường trong nước, mà còn được xuất khẩu sang các nước Lào, Indonesia, Singapore, Ukraine. Công ty cổ phần MEINFA (trước đây là Nhà máy Y cụ 2, Thái Nguyên) chuyên sản xuất các thiết bị, dụng cụ y tế thông thường cung cấp cho các cơ sở y tế từ trung ương xuống tận cơ sở. Sản phẩm chính của Công ty là giường nằm cho người bệnh, xe cáng cấp cứu, bàn mổ, ghế khám, chữa tai mũi họng, nha khoa, kéo mổ các loại… Hàng chục năm qua, MEINFA đã cung ứng hàng triệu sản phẩm/năm cho các cơ sở y tế trong nước, góp phần chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

 

Những hạn chế của ngành sản xuất trang thiết bị y tế

Cả nước hiện có gần 900 bệnh viện lớn nhỏ, nhu cầu về TTBYT rất lớn, đa dạng về chủng loại, đòi hỏi độ an toàn, chính xác cao. Thế nhưng, đến nay Việt Nam mới có vài chục cơ sở sản xuất TTBYT với 250 loại sản phẩm được Bộ Y tế cấp giấy phép lưu hành, đáp ứng được 20% nhu cầu. Các sản phẩm sản xuất trong nước được công nhận đạt tiêu chuẩn Việt Nam còn quá ít. Phần lớn sản phẩm mới dừng lại ở mức đơn giản như các dụng cụ y tế cầm tay, thiết bị nội thất bệnh viện, các sản phẩm nhựa và cao su y tế. Hiện đại hơn một chút là một số thiết bị điện tử y tế, như dao mổ điện, máy phá sỏi ngoài cơ thể, siêu âm chẩn đoán, máy kiểm tra tim thai, thiết bị la-de. Mô hình bệnh tật ở Việt Nam đang thay đổi, các bệnh không nhiễm trùng nguy hiểm (tim mạch, huyết áp, ung thư, tiểu đường…) đang ngày càng gia tăng. Những năm gần đây, chúng ta đã phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng/năm để nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị y tế đắt tiền. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và miền trung, trong các cơ sở y tế chuyên sâu đã có các máy, thiết bị tiên tiến như chụp cắt lớp nhiều đầu dò, chụp mạch máu, siêu âm tăng sáng truyền hình, thiết bị mổ nội soi, máy cộng hưởng từ, chạy thận nhân tạo, cô-ban xạ trị… Phải nói rằng, TTBYT hiện đại góp phần không nhỏ vào công tác chẩn đoán, khám chữa bệnh. Nhiều căn bệnh hiểm nghèo trước đây người bệnh phải điều trị ở nước ngoài, nay nhờ có TTBYT hiện đại đã có thể điều trị trong nước. Nhưng do ngành công nghiệp sản xuất TTBYT của Việt Nam còn yếu, lại nhiều năm dùng hàng nhập khẩu, cho nên đã ăn sâu tâm lý “sính đồ ngoại” trong nhiều cán bộ, nhân viên ngành y. Không ít cán bộ khi được hỏi đơn vị có sử dụng sản phẩm của nhà máy X, Y trong nước sản xuất chưa, đã không do dự trả lời “chưa”. Vì tiền nào của ấy, giá rẻ thì chất lượng kém. Có một tình trạng cần nói tới, hoặc do cơ chế quản lý, hoặc vì “các bên cùng có lợi” mà mấy năm qua, có một số cơ sở y tế nhập khẩu loại máy trị giá nhiều tỷ đồng nhưng không sử dụng được phải “đắp chiếu” (?). Hay mua thiết bị đắt tiền về nhưng không tìm cách đưa vào sử dụng, cứ mặc dãi dầu mưa nắng bởi nó là “tiền chùa” (!). Thậm chí, có những thiết bị, dụng cụ sản xuất trong nước giá rẻ hơn năm, bảy lần, tính năng và độ bền không thua kém hàng ngoại, nhưng người ta vẫn cứ thích nhập khẩu hơn (?). Tại một hội nghị gần đây, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm phê phán gay gắt tình trạng này và nhắc nhở phải tăng cường năng lực sản xuất trong nước, đồng thời quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu TTBYT.

 

Giải pháp tháo gỡ

Trong điều kiện khoa học – công nghệ của Việt Nam chưa sản xuất được các thiết bị, máy tinh vi, hiện đại, việc nhập khẩu là cần thiết, nhưng đòi hỏi phải khơi dậy nội lực, nhằm nghiên cứu và sản xuất được những TTBYT thông dụng chất lượng cao. Chính sách quốc gia về TTBYT giai đoạn 2002-2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định 130/2002/QĐ-TTg ngày 4-10-2002) với mục tiêu: mở rộng sản xuất TTBYT thông dụng, bảo đảm cung cấp được 40% nhu cầu vào năm 2005, và 60% vào năm 2010. Đề ra như vậy bởi lâu nay khoảng 80% TTBYT sử dụng trong các cơ sở khám, chữa bệnh còn phải nhập khẩu. Đây là một thách thức đối với ngành công nghiệp sản xuất TTBYT ở Việt Nam trong quá trình hội nhập. Các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia tuy chưa làm được các loại thiết bị hiện đại, nhưng sản phẩm thông dụng trang thiết bị nội thất bệnh viện của họ cũng đã xuất khẩu đến hơn 20 nước và vùng lãnh thổ. Chưa hy vọng có các mặt hàng xuất khẩu, chúng ta chỉ mong đáp ứng đủ TTBYT cho hệ thống bệnh viện ở các tuyến, vì lâu nay tại không ít cơ sở y tế, nhất là vùng sâu, vùng xa, TTBYT còn ở tình trạng thiếu thốn và chắp vá. Muốn vậy, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bộ Khoa học và Công nghệ – Y tế – Công nghiệp trong một chương trình tổng thể nghiên cứu và sản xuất TTBYT. Tránh sự đầu tư dàn trải, tập trung vào các thiết bị, dụng cụ có nhu cầu sử dụng lớn trong chăm sóc sức khỏe nhân dân như máy giúp thở, máy tạo ô-xy cá nhân, các loại máy X quang, siêu âm chẩn đoán dùng cho y tế cơ sở. Các thiết bị phục vụ cấp cứu, ngoại khoa, chấn thương chỉnh hình và chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản, thiết bị xử lý nước thải, rác thải nguy hại trong các bệnh viện… Chúng ta cần từng bước hoàn thiện công nghệ, nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã và độ bền vững, an toàn của TTBYT đạt tiêu chuẩn quản lý ISO 9001 – ISO 9002; xây dựng và bảo vệ được thương hiệu của sản phẩm để có thể thay thế hàng nhập khẩu và tiến tới xuất khẩu. Một khi các loại TTBYT sản xuất trong nước được đánh giá trên lâm sàng và Bộ Y tế cấp phép thì cần có cơ chế khuyến khích các cơ sở y tế sử dụng. Chủ trương phát huy nội lực đẩy mạnh sản xuất TTBYT trong nước thay thế hàng nhập khẩu là hoàn toàn đúng và các tổ chức khoa học, doanh nghiệp của Việt Nam đủ khả năng làm được điều này. Tuy nhiên, ngành công nghiệp sản xuất TTBYT ở Việt Nam chỉ có điều kiện phát triển khi Nhà nước có chính sách đầu tư, hỗ trợ cả trong nghiên cứu, chế tạo, lưu thông hàng hóa; đồng thời quan tâm công tác đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động sản xuất TTBYT, bởi thực tế lâu nay đội ngũ này ở Việt Nam còn quá “mỏng”.

 

Bài viết liên quan